Vốn điều lệ khủng đến mức bất thường
Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ một tỷ đồng. Sau nhiều lần đăng ký thay đổi từ năm 2015 đến năm 2017, số vốn điều lệ của doanh nghiệp từ một tỷ đồng đã vọt lên 1.600 tỷ đồng theo hình thức góp vốn bằng tiền mặt. 3 cổ đông gồm ông Nguyễn Thái Lĩnh – Giám đốc, góp 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ và bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.
Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, hình thức đăng ký góp vốn bằng tiền mặt, không đăng ký góp vốn bằng tài sản.
Ba cổ đông của Alibaba Tây Bắc gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng; ông Lê Xuân Sơn ngụ tại phường Phú Mỹ, quận 7, đăng ký góp 3.600 tỷ đồng; bà Đặng Thị Bích Ngọc ngụ tại phường 8, quận Gò Vấp, đăng ký góp 600 tỷ đồng.
Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 11/12/2010, tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH một thành viên RENTHOUSE, vốn điều lệ chỉ có 100 triệu đồng.
Năm 2017 doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, vốn điều lệ được nâng lên 100 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, Thủ Đức. Công ty này chỉ có một thành viên là ông Nguyễn Thái Luyện và cũng là người đại diện pháp luật.
HoREA đặt vấn đề, số vốn điều lệ của các công ty thuộc nhóm Alibaba quá lớn đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp (xuất hiện 3-5 năm trên thị trường bất động sản). Thêm vào đó, cổ đông của nhóm các công ty Alibaba sở hữu chồng chéo. Chưa rõ thực hư các cổ đông đã góp vốn điều lệ đủ hay chưa, cũng chưa biết kết quả kinh doanh và quyết toán thuế năm 2016 như thế nào.
Các thông tin này cần được làm rõ có bị “ảo” hay không, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp dùng chiêu bài vốn khủng để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Tự xưng chủ đầu tư hàng loạt dự án
Thời gian qua, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Thế nhưng nhiều thông tin dự án trong số này không đúng sự thật.
Cụ thể, Dự án Marine City tại Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích 28,2 ha, quy mô 1.000 căn nhà phố, biệt thự được Alibaba quảng bá là chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư thật sự là Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải. Trụ sở của Nam Hải đặt tại địa chỉ số 16 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu.
Khu đất “Dự án Khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi” được Alibaba chào bán với tư cách là chủ đầu tư nhưng đây là dự án được Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc đang tiến hành mời gọi đầu tư và chưa xác định chủ đầu tư.
Đối với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5… do đơn vị này chào bán và tự xưng chủ đầu tư, lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành khẳng định không có dự án nào do Công ty Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Với hành vi tự xưng chủ đầu tư, thu tiền trước của khách hàng, HoREA đánh giá Alibaba đang lừa dối khách hàng, đẩy người mua nhà đất vào nguy cơ rủi ro lớn. Đây là hành vi công bố thông tin sai sự thật, nằm trong điều cấm của Luật Kinh doanh Bất động sản.
Vu Le